Sở Bưu điện Hà Nội gồm tòa nhà hướng ra phố Đinh Tiên Hoàng và Lê Thạch (xây dựng vào các năm 1893-1899) và tòa nhà ở góc phố Đinh Tiên Hoàng và Đinh Lễ (xây dựng vào năm 1942). Công trình được người Pháp cho xây dựng kể từ khi Hà Nội được quy hoạch và mở rộng với việc lấy khu vực Hồ Gươm làm trung tâm.
Ngày nay, hai tòa nhà của Sở Bưu điện Hà Nội do Bưu điện thành phố quản lý và sử dụng.
Bảo tàng Louis Finot, ban đầu có tên là Bảo tàng Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, được khởi công năm 1926 và hoàn thành năm 1932. Công trình đại diện cho phong cách kiến trúc Đông Dương, kết hợp với các giá trị kiến trúc Pháp và bản địa.
Hiện, công trình Bảo tàng Louis Finot trở thành trụ sở chính của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, số 1 Tràng Tiền.
Nha Tài chính Đông Dương được thi công năm 1925 và nghiệm thu năm 1928. Đây là một trong những công trình đầu tiên thể nghiệm phong cách kiến trúc Đông Dương, do kiến trúc sư nổi tiếng của Pháp Ernest Hébrard thiết kế.
Hiện, công trình Nha Tài chính Đông Dương được dùng làm trụ sở Bộ Ngoại giao, số 1 Tôn Thất Đàm.
Đại học Đông Dương nằm trên phố Lê Thánh Tông ngày nay, được hoàn thành năm 1927. Công trình đánh dấu sự trỗi dậy của nghệ thuật pha trộn giữa phương Tây và phương Đông.
Đến nay, Đại học Đông Dương vẫn được coi là công trình có giá trị lớn về mỹ thuật và kỹ thuật theo lối kiến trúc hiện đại. Công trình hiện được Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Dược Hà Nội quản lý và sử dụng.
Nhà hát Lớn thành phố được khởi công vào ngày 7/6/1901 nhằm phục vụ nhu cầu giải trí của giới chức Pháp tại Hà Nội. Công trình do hai kiến trúc sư Harley và Broyer thiết kế, được hoàn thành năm 1911.
Nhà hát Lớn Hà Nội cùng quảng trường 19/8 ngày nay là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, là minh chứng cho sự phát triển văn hóa - xã hội của Hà Nội và Việt Nam qua các thời kỳ.
Cầu Doumer (cầu Long Biên ngày nay) là cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng, khánh thành năm 1902 với chiều dài 1.682 m, tiêu tốn 30.000 m3 đá và 5.300 tấn thép. Vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, cầu được coi là công trình kết cấu thép đồ sộ nhất khu vực Đông Nam Á.
Cầu Long Biên nối liền hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên.
70 phiên bản tài liệu hành chính, hình ảnh, bản vẽ kỹ thuật… về các công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu được Trung tâm Lưu trữ quốc gia I giới thiệu tại Nhà hát lớn Hà Nội từ ngày 9/9 đến 27/10/2017.
Theo Ngọc Thành - Dương Tâm/VnExpress.net