Những số liệu vô cùng thuận lợi được chỉ ra như GRDP nửa đầu 2017 tăng 8,1% so với cùng kỳ 2016; FDI đăng ký tăng 269,5% theo năm với 14,3 triệu USD được giải ngân; Gần 2.400 doanh nghiệp mới được thành lập; Doanh thu bán lẻ tăng 17,1% theo năm lên 2.1 tỷ USD. Tổng lượng khách đến Đà Nẵng tăng 33,2% theo năm. Trong đó,khách quốc tế tăng 72,2% theo năm và đạt tới con số 1,2 triệu. Tăng trưởng tín dụng nửa đầu 2017 đạt 7,5%, mức cao nhất trong vòng sáu năm.
Thị trường bất động sản Đà Nẵng luôn mang trong mình sức hút khó cưỡng với các nhà đầu tư có tầm nhìn xa trông rộng.
Ngày 18/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chủ trương điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn 2050 nhằm đáp ứng sát tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Lợi thế về chính quyền hành động, thành phố đáng sống, thiên nhiên ưu đãi, điểm đến hấp dẫn của khách du lịch, hạ tầng về bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng hiện đang quy tụ nhiều thương hiệu quản lý khách sạn quốc tế 5 sao, khu nghỉ dưỡng lớn nhất cả nước. Các nhà phát triển BĐS lớn như: Vin Group, Sun Group, The Empire Group, Sovico Holding, Tập đoàn BRG, Indochina Land, Vinacapital, FPT, Hoà Bình Group, Alphanam Group... đã tạo dựng khoảng hơn 80 dự án đầu tư vào BĐS du lịch nghỉ dưỡng với tổng vốn trên 12 tỷ USD.
Theo Kiến trúc sư Bùi Huy Trí - Trưởng phòng Quản lý quy hoạch và phát triển đô thị, Sở Xây dựng Đà Nẵng thì: Quy hoạch chung đô thị Đà Nẵng sẽ tiếp tục được mở rộng quy mô lên khoảng 37 nghìn ha để đáp ứng quy mô dân số trên 2 triệu người vào năm 2030. Các khu vực đồi núi phía Tây, một số khu vực nông thôn sẽ là quỹ đất phát triển. Các tiềm năng du lịch sẽ được khai thác và phát huy hơn. Mục tiêu hướng tới là hình thành các khu đô thị mới phía Tây mang nhiều yếu tố sinh thái, các khu du lịch, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí, safari...
“Giai đoạn 2016 - 2017, nguồn cung BĐS nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng tập trung nhiều ở khu vực ven biển với phân khúc căn hộ khách sạn condotel và villas. Tuy nhiên, nếu phát triển nóng chính quyền thành phố chắc chắn phải tính đến bài toán rà soát quy hoạch và quản lý tốt tránh rủi ro cho nhà đầu tư và khách sở hữu. Giải pháp khả thi đã được tính đến trong quy hoạch lấy đòn bẩy hạ tầng mở rộng các khu đô thị vệ tinh tại khu vực quỹ đất rộng. Như vậy, triển vọng về đất nền cả nguồn cung lẫn nguồn cầu sẽ là cơ hội để phân khúc này bứt phá trong năm 2018 và một vài năm tới” – ông Nguyễn Trần Nam Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định.
Triển vọng của đất nền về nguồn cung lẫn nguồn cầu sẽ là cơ hội để phân khúc này bứt phá trong năm 2018 và cả các năm tới.
Cú hích từ những siêu dự án hạ tầng nghìn tỷ phía Tây Bắc Đà Nẵng
Đầu năm 2017, Cty tư vấn Cảng Nhật Bản (JPC) đưa ra phương án đầu tư 5.581 tỷ đồng cho giai đoạn 1 cảng Liên Chiểu và được lãnh đạo thành phố cơ bản thống nhất. Theo đó, giai đoạn 1, bao gồm xây 1 bến hàng tổng hợp và 1 bến container, sẽ được hoàn thành vào năm 2022. Cùng với Cảng Liên Chiểu, theo quy hoạch, đến giai đoạn 2020-2022, khu vực Liên Chiểu sẽ hoàn thành một số dự án hạ tầng trọng điểm.
Hầm Hải Vân hiện đang triển khai tuyến hầm số 2 trong tương lai tăng khả năng vận tải qua hầm Hải Vân; đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi sẽ đưa vào hoạt động năm 2018, tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho các doanh nghiệp trong các KCN Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi vận chuyển hàng hóa.
Dự án lớn nữa là ga hàng hóa Kim Liên mới sẽ được xây dựng hơn 80ha, nằm trong tổng thể dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng với tổng mức đầu tư khoảng 5.700 tỷ đồng. Chính những thông tin về chuyển động của khu Tây Bắc Đà Nẵng đã tạo cú hích tâm lý cho bất động sản tại quận Liên Chiểu và những khu giáp ranh.
Trước đó, tháng 5/2017, Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng được khánh thành đưa vào hoạt động. Hàng loạt công trình khác đang gấp rút thi công phục vụ Hội nghị APEC như Trung tâm Hội nghị và Triển lãm quốc tế Ariyana, khách sạn Shareton, cung thể thao Tiên Sơn, trung tâm Hội nghị Báo chí, hầm chui phía tây Sông Hàn...
Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng - một trong những siêu dự án hạ tầng nghìn tỷ phía Tây Bắc - được đưa vào hoạt động.
Ngoài các khu đô thị do thành phố đầu tư hiện khu vực này cũng đã triển khai một số dự án lớn như Khu Công nghệ cao (1.010 ha), các du lịch và bất động sản của các nhà đầu tư như Khu du lịch Xuân Thiều, Khu đô thị Golden Hill, Khu đô thị Thủy Tú, Khu đô thị Bàu Tràm... Bên cạnh đó các dự án du lịch Nam Hải Vân (1.067 ha), dọc theo sông Cu Đê, Trường Định và ven các triền núi sẽ thúc đẩy sự phát triển khu vực phía Bắc thành phố.
Những dự án nghìn tỷ thường kéo theo sự hoàn thiện về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, tiện ích sống… nên nơi nào có những dự án này thì nơi đó có tiềm năng mở ra thị trường bất động sản sôi động, giá trị gia tăng cao, thanh khoản tốt. Thực tế cho thấy, thời gian qua đã có nhiều dự án được săn lùng, chuyển nhượng, lên phương án đầu tư xây dựng và mở bán. Giá đất nền Đà Nẵng nhờ thế mà tăng mạnh ở những khu vực có dự án quy mô lớn và có hạ tầng thuận lợi.
“Với điều kiện như vậy, BĐS Đà Nẵng chưa bao giờ hạ nhiệt mà ngược lại, Đà Nẵng luôn tạo sức hút khó cưỡng đối với các nhà đầu tư có tầm nhìn xa trong chiến lược phát triển dài hạn của mình” – ông Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh.
Nhi Hà